Mỗi năm người Việt mất 3 tỷ USD cho con ra nước ngoài du học
Theo Nhóm Công tác Giáo dục và Đào tạo, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VBF), số lượng học sinh Việt Nam ra nước ngoài học hằng năm ngày càng tăng cao.
Hiện nay, có hơn 110.000 học sinh du học ở 47 quốc gia với mức học phí từ 30.000 USD đến 40.000 USD mỗi năm. Ước tính, trung bình mỗi năm, người Việt Nam chi khoảng 3 tỷ USD cho việc du học tại các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến.
Ông Fred Burke – Trưởng nhóm công tác Thương mại và Đầu tư thuộc VBF cho hay, theo điều 24 của Nghị định 73 ban hành năm 2012, cơ sở giáo dục nước ngoài có thể tiếp nhận học sinh Việt Nam nhưng số học sinh ở bậc tiểu học và trung học cơ sở không quá 10% tổng số học sinh của trường và ở bậc trung học phổ thông không quá 20%.
Học sinh tham gia thảo luận nhóm trong giờ học tại một trường quốc tế tại Việt Nam. (Ảnh minh họa).
Việc hạn chế tỷ lệ học sinh Việt Nam 10%, 20% được phép đăng ký học tại các trường quốc tế trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới là chưa hợp lý. Bởi thực tế, theo ông Fred Burke, nhu cầu của học sinh Việt Nam được học tại trường quốc tế ngày càng tăng. Nếu Chính phủ không cho phép học sinh này học tại Việt Nam, các học sinh sẽ ra nước ngoài học.
Thậm chí, với việc hạn chế tỷ lệ này sẽ không thể thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục tại các tỉnh, thành ngoài Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Bởi tỷ lệ 10% và 20% học sinh Việt Nam được phép học tại trường quốc tế được tính trên số lượng học sinh nước ngoài của trường.
“Như vậy, nếu các cơ sở giáo dục không có học sinh nước ngoài học tập thì cũng sẽ không được tuyển học sinh Việt Nam vào học. Thực tế là hầu hết các tỉnh, thành, trừ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, có rất ít người nước ngoài đến làm việc và sinh sống, do đó hầu như không có học sinh nước ngoài đăng ký học. Nếu theo tỷ lệ hạn chế nêu trên, sẽ không có học sinh Việt Nam được phép tiếp cận với trường quốc tế dù có nhu cầu”, ông Fred Burke khẳng định.
Trước một số ý kiến cho rằng nếu cho nhiều học sinh Việt Nam tham gia học trường quốc tế sẽ làm mất đi bản sắc văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, ông Fred Burke phân tích điều này hoàn toàn không đúng. Bởi hiện nay, học sinh Việt Nam trong trường quốc tế phải học các môn học bắt buộc của chương trình Việt Nam như Lịch sử, Địa lý, Văn học, Việt Nam học. Họ cũng hát quốc ca, chào cờ, tham gia đầy đủ các ngày lễ, lịch sử, văn hóa của Việt Nam như Tết cổ truyền, Trung thu, Quốc khánh… Điều quan trọng hơn nữa là nếu Chính phủ không cho phép học sinh này học tại Việt Nam thì họ cũng sẽ ra nước ngoài học bởi họ có nhu cầu. Và khi đã ra nước ngoài thì việc giữ gìn bản sắc dân tộc còn khó hơn nhiều.
Trên cơ sở đó, Nhóm Công tác Giáo dục và Đào tạo đề xuất Chính phủ nên bỏ điều khoản hạn chế này để học sinh Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận với trường quốc tế ngay tại Việt Nam thay vì phải đi nước ngoài. Điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho Việt Nam trên nhiều phương diện. Trong đó, xét về lợi ích kinh tế, trung bình mỗi năm Việt Nam sẽ không bị mất một nguồn ngoại tệ lớn “chảy” ra nước ngoài du học. Xét về góc độ chính trị – xã hội, sự có mặt của các trường quốc tế tại Việt Nam ngoài việc giúp học sinh Việt Nam được du học ngay trên quê hương của mình còn giúp cho nền giáo dục Việt Nam tăng thêm thương hiệu, uy tín trên bản đồ giáo dục thế giới.
Ngoài ra, việc học tập tại các trường quốc tế uy tín tại Việt Nam còn giúp học sinh Việt có nhiều cơ hội hơn trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa, bản sắc dân tộc của mình. “Cùng với việc nới rộng quy định hạn chế số lượng học sinh tham gia học tại các trường quốc tế. Chính phủ có thể bổ sung các điều kiện khác cho học sinh Việt Nam tại các trường quốc tế có thể duy trì văn hóa Việt như bổ sung thêm các môn học chính trong trường quốc tế về truyền thống Việt Nam như: Tết, hát các bài hát truyền thống dân tộc…”- ông Fed Bure đưa ra đề xuất.
Huyền Thanh