Lừa đảo du học- Bài 1: Lời hứa hẹn của các trung tâm tư vấn
Lợi dụng sự thiếu thông tin của người có nhu cầu du học, nhiều trung tâm tư vấn du học “ảo” tung những chiêu lừa tiền.
“Giăng bẫy” bắt người du học
Trong tháng 11, một công ty tư vấn du học Nhật Bản trên địa bàn Hà Nội bị Đại sứ quán Nhật Bản nêu tên có hành vi gian dối khi sử dụng tên của trường Đại học công nghiệp FUKUI để lừa đảo học sinh trung học phổ thông ở Hà Nội. Công ty này tư vấn học sinh THPT vào học một trường tiếng Nhật được chỉ định ở Tokyo trong 2 năm đầu tiên, sau đó sẽ nhận học bổng của trường trong 4 năm học tương đương mức 60% học phí của trường. Tuy nhiên, giấy chứng nhận cấp học bổng ghi rõ tên của Đại học FUKUI đã được cơ quan chức năng kết luận sau giám định là giả mạo.
Đại sứ quán Nhật Bản cảnh báo về một số công ty lấy tên của các trường ĐH ở Nhật Bản để lừa đảo.
Trên thực tế đã có học sinh tin tưởng và ký kết hợp đồng tư vấn, trả tiền cho công ty này với số tiền môi giới từ vài trăm đến hàng nghìn USD.
Một chiêu thức lừa đảo khác được các trung tâm sử dụng là yêu cầu học sinh “nhập cảnh bằng visa lưu trú ngắn hạn, sau đó đổi sang visa cư trú dài hạn được ngay và có thể làm việc ở Nhật 3 năm”, rồi yêu cầu nộp một khoản tiền lớn. Nạn nhân trả phí môi giới cho công ty, sang Nhật bằng visa du lịch, công việc không có, chỉ khoản nợ vay đóng đi là còn. Một chiêu thức khác là nộp tiền ký quỹ và học phí hàng tháng mất hàng nghìn USD. Người học chờ hết tháng nọ sang tháng kia mà không có xí nghiệp tiếp nhận, không sang Nhật được. Khi yêu cầu công ty trả lại tiền thì tất nhiên người học không được hoàn trả đầy đủ.
Từ việc bị các công ty môi giới thiếu đạo đức lừa dối, nhiều bạn trẻ Việt Nam đã phải mang theo gánh nặng nợ nần khi sang Nhật, và do cư trú bất hợp pháp nên số du học sinh bị bắt giữ tại Nhật cũng gia tăng.
Đáng lưu ý, trong những năm gần đây có những công ty tư vấn du học đã đăng tải những thông tin sai lệch trên website (Phần thông tin tuyển sinh du học Nhật Bản) những dòng rất kêu như “Vừa học vừa làm thêm 1 tháng cũng kiếm được 300 nghìn Yên (khoảng 60 triệu đồng)”; “Mức lương được nhận 1 giờ là 3.000 Yên (khoảng 600 nghìn đồng)”; “Trong thời gian lưu học, thu nhập từ việc làm thêm không những có thể chi trả toàn bộ các chi phí học tập và sinh hoạt mà còn có thể gửi về gia đình”… Thực tế, những thông tin trên hoàn toàn sai lệch. Mức lương thông thường cho 1 giờ làm việc chỉ là 800 Yên (khoảng 7 USD).
Điều này xảy ra tương tự với các trường hợp tư vấn du học Hàn Quốc. Cũng lợi dụng chính sách tạo điều kiện để du học sinh có thể làm việc trong thời gian đi học, các trung tâm tư vấn đưa ra mời gọi hấp dẫn du học lương cao, học đại học luôn; du học chi phí thấp hay mắc bệnh vẫn có thể du học được… Trong khi đó, du học Hàn Quốc được xem là chặt chẽ hơn rất nhiều so với thời gian trước với chính sách thắt chặt Visa và quy định làm thêm cho du học sinh.
Không biết tiếng Nhật vẫn xin được visa du học Nhật Bản?
Trở lại câu chuyện với Nhật Bản, ngay trong tháng 10, thông tin từ Hãng tin NHK cho biết, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đang thắt chặt hoạt động của các công ty môi giới vì phát hiện họ đã cấp visa du học cho nhiều trường hợp không đủ điều kiện.
Cách làm gian dối của một số công ty môi giới du học tại Việt Nam mà NHK đề cập bao gồm cấp chứng chỉ tiếng Nhật cho người xin visa trong hồ sơ, trong khi những người này không hề biết tiếng Nhật. Sự thật này chỉ được phát hiện khi Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam bắt đầu phỏng vấn người xin visa dạng du học sinh vào năm ngoái, trong bối cảnh lượng du học sinh Việt Nam tại Nhật đang tăng mạnh. Trong đó, theo truyền thông Nhật Bản đưa tin về kết quả của cuộc kiểm tra, có tới 10-20% số người xin visa bị Đại sứ quán Nhật Bản phát hiện là “có vấn đề”, hồ sơ visa có chứng chỉ tiếng Nhật nhưng khi phỏng vấn thì không nói tiếng Nhật được. Có tới 30% số người được 12 công ty Việt Nam làm hồ sơ, nằm trong danh sách đen.
Theo các con số thống kê trong bài viết trên NHK, vào tháng 6, số lưu học sinh Việt Nam là hơn 80.000 người, tăng bốn lần so với 5 năm trước đây. Số người Việt Nam theo học tại các trường tiếng Nhật tại Nhật Bản cũng tăng mạnh nhất là khi nhiều công ty môi giới mạnh tay đăng quảng cáo rằng ở Nhật Bản du học sinh có thể vừa học “vừa kiếm được hàng nghìn USD”.
Đã có 12 công ty môi giới du học không tuân thủ luật pháp bị đăng tên trên website của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Hồ sơ xin visa nộp qua 12 công ty này sẽ bị từ chối trong thời gian 6 tháng, kể từ tháng 10/2018. Phía Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho hay sẽ hợp tác với các cơ quan sở tại ở Việt Nam và tăng cường nỗ lực loại bỏ những công ty môi giới thiếu trung thực. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, lừa đảo trong xin visa chỉ là một trong rất nhiều chiêu trò lừa đảo du học đang tồn tại hiện nay.
Đứng trước thực tế đó, Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội vừa gửi công văn tới các trường THPT trên địa bàn để cảnh báo thông tin sai lệch về du học Nhật Bản, có mục đích lừa đảo. Theo ông Lê Ngọc Quang – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, để tránh tình trạng lừa đảo, cung cấp thông tin không chính xác của các công ty du học, Sở GD&ĐT khuyến cáo các trường cần tìm hiểu kỹ các thông tin trước khi giao lưu, liên kết với các công ty du học; các trường phải có công văn báo cáo của Sở GD&ĐT mọi hoạt động liên kết với nước ngoài của trường.
L.Sơn/Báo Tin tức