Còn đi học còn là con nít!
1- Một người bạn có đứa cháu vừa đậu đại học. Nhà ở quê, còn trường ở thành phố. Vậy là người cha bỏ công ăn việc làm, vào cùng chuẩn bị nhập học với con trai. Bao hàm trong cái chữ “chuẩn bị” là bao nhiêu thứ mà ông cũng không hề chuẩn bị tinh thần.
Thủ tục nhập học, con nhờ cha làm. Rất nhiều thông tin được báo giấy, báo mạng đăng chi tiết, nhưng cha làm thì tốt hơn con. Đi kiếm chỗ trọ để phòng chuyện không đủ tiêu chuẩn ở ký túc xá cũng là việc của cha. Chạy vạy xong chỗ trọ, là lo cơm ăn nước uống ngày ba bữa, rồi lục cục đưa đón. Một tuần ở thành phố, người đàn ông hơn năm mươi tuổi thở hắt ra: “Mệt hơn đi cày ruộng. Nhưng mình không làm thì không yên tâm. Con nó lạ nước lạ cái, đã lo cho nó tới giờ này, ráng thêm chút nữa có sao”.
Tất nhiên là cái gì lo được cho con cái, cha mẹ chẳng nề hà. Hỏi ra mới biết, ở nhà con ông cũng hiếm khi phải động tay động chân. Cứ cắm cúi lo học, việc nhà đã có mẹ hoặc cha. Xe gắn máy cũng biết chạy, nhưng đi đâu cũng có cha làm xe ôm cho chắc.
2- Buổi sáng ở quán ăn trước cổng trường tiểu học. Cô bé đeo bảng tên cho thấy là đã học lớp 5. Ngồi kế bên là mẹ cô bé. Mẹ múc từng muỗng thức ăn, thổi nguội rồi đút cho con. Cô bé vừa nhai, vừa nuốt, vừa coi phim hoạt hình trên tivi. Bà mẹ tiếp tục vừa thổi, vừa đút, thỉnh thoảng lại giục: “Lẹ lên con, trễ học bây giờ”.
“Sự nghiệp đút cơm” được bà mẹ thổ lộ vẫn tiếp tục sau lớp lá ở mẫu giáo. Chị đã tốn thêm một khoản “gửi gắm” cho cô bảo mẫu, để con mình được ưu tiên có cô kèm lúc ăn. Còn ở nhà, đương nhiên “mẹ cũng là cô giáo” ở khoản đút cơm. Con học lớp 5, cũng chưa biết tự dọn giường, dọn bàn học, nói chi đến nấu cơm, rửa chén hay lau nhà. “Nó là con nít, biết gì đâu. Lớn lên mới làm mấy chuyện đó” – bà mẹ thanh minh. Cô bé lớp 5 vẫn tỉnh bơ ngồi vừa nhai nuốt vừa coi phim hoạt hình, lúc đồng hồ chỉ 7 giờ kém 5 phút sáng.
3- Không khó để nhìn ra đặc điểm chung của chàng sinh viên vừa nhập học và cô bé lớp 5. Các em không biết tự lo những thứ đơn giản cho chính mình. Suốt thời đi học, các em luôn được chăm sóc tận tình và nuôi dạy theo kiểu “gà công nghiệp”. Và cha mẹ luôn phải đóng vai “đã lo thì lo cho trót”.
Kỹ năng sống tự lập dường như là một điều xa xỉ với đa số học sinh hiện tại. Điều đó dễ hiểu, khi ở trường, các em được tiếp thu một chương trình toàn kiến thức lý thuyết, thậm chí giáo điều. Các kỹ năng vận động, tồn tại, tự giải quyết các vấn đề của cá nhân rất mờ nhạt. Ở nhà, các em luôn được coi là nhỏ dại, ăn chưa no lo chưa tới.
Đừng xem phim ảnh nước ngoài về khả năng tự lập của thanh thiếu niên rồi so sánh. Bởi sự so sánh ấy quá… bất lợi! Với giáo dục trường học và ở gia đình đô thị Việt Nam, cứ đi học thì còn là con nít!
THANH THANH
Nguồn : http://www.sggp.org.vn